Tinh thần HUMBOLDT, giáo dục đại học Hoa Kỳ với sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay [1/4]

Lâm Quang Thiệp

 

TÓM TẮT

             Từ các ý tưởng về giáo dục đại học (GDĐH) của Wilhelm von Humboldt, bài viết bắt đầu bằng các nhận xét chứng tỏ các ý tưởng đó có tác động quan trọng đến GDĐH Hoa Kỳ, một nền GDĐH hấp dẫn nhất hiện nay trên thế giới.  Sau đó bài viết giới thiệu những đặc trưng chính của GDĐH Hoa Kỳ được hình thành qua lịch sử phát triển của nó, đó là tính phi tập trung, tính thực tiễn, tính đại chúng và tính thị trường. Đối chiếu với tinh thần đại học của Humboldt và kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ bài viết nêu các vấn đề tồn tại quan trọng của GDĐH Việt nam hiện nay liên quan đến tình trạng chưa đảm bảo được quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học, đến hiện tượng tách rời hệ thống các viện nghiên cứu với các trường đại học và đến thực tế chưa lưu ý thích đáng đến ý tưởng tự do học thuật. Bài viết nêu rõ: trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta hiện nay phải có một cuộc đấu tranh bền bỉ mới có thể làm cho tinh thần đại học Humboldt trở thành hiện thực. Để tạo nên một điểm xuất phát thuận lợi cho cuộc đấu tranh hướng đến sự thay đổi đó, hiện nay ở Việt Nam rất cần một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng nhằm xây dựng một nền giáo dục trung thực.

 

ABSTRACT

Based on Wilhelm von Humboldt’s ideas concerning higher education, the article begins with some remarks which prove these ideas have had great impacts on U.S. higher education – the most attractive one in the world. The article goes on to introduce the main characteristics of U.S. higher education since its early days, including decentralization, practicality, masscification and marketization. With a reference to Humboldt’s higher education ideal and experience of U.S. higher education, the article highlights some significant issues in Vietnam’s higher education system, related to the lack of autonomy and accountability, the separation of research institutes from higher education institutions, and the underestimated academic freedom. The article indicates that with the current socio-economic conditions of Vietnam, there needs to be a persistent struggle to turn Humboldt’s higher education ideal into reality. In order to create a favorable start for this revolutionary struggle, Vietnam is now in great need of a drastic reform of education which aims to develop an honest educational system.  

     

1. GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HOA KỲ VÀ MÔ HÌNH ĐẠI HỌC NGHIÊN CỨU CỦA ĐỨC

            Có thể nói hiện nay giáo dục đại học (GDĐH) Hoa Kỳ là một nền GDĐH được cả thế giới ngưỡng mộ, và nền GDĐH Việt Nam cũng đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên, nền GDĐH Mỹ đạt được nhiều thành tựu như ngày nay không phải chỉ nhờ các tinh hoa riêng từ mảnh đất Hoa Kỳ, mà là nhờ tiếp thu và phát triển trí tuệ của cả nhân loại.

            Một chuyên gia hàng đầu của GDĐH Hoa Kỳ nhận định: “Nền GDĐH Mỹ hiện đại được hình thành từ ba mối ảnh hưởng: truyền thống giáo dục nhân văn tự do của Anh Quốc, khái niệm nghiên cứu của Đức và ý tưởng phục vụ cho bang được thể hiện bởi các viện đại học được cấp đất” (1). Như vậy, hai trong ba mối ảnh hưởng tạo nên GDĐH Hoa Kỳ là từ nước ngoài. Nói đến truyền thống của GDĐH Đức, người ta thường nhắc đến cải cách GDĐH vào đầu thế kỷ 19, trong đó Wilhelm von Humboldt đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản của GDĐH: 1) Quyền tự chủ của trường đại học; 2) Quyền tự do học thuật ; 3) Tính thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu.  Các truyền thống đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến GDĐH Hoa Kỳ, đặc biệt đối với các trường đại học nghiên cứu hàng đầu: “Một bước tiến vĩ đại bắt nguồn từ sự phát triển nhờ nhập cảng mô hình đại học nghiên cứu kiểu Đức, bắt đầu từ Johns Hopkins vào năm 1876 và nhanh chóng được noi theo bởi Harvard, Yale, Columbia, Northwestern, Michigan và các viện đại học khác của các bang và của tư nhân, dọc suốt đường xuyên sang tận Stanford và Berkeley ở bờ biển phía Tây” (2).

            Ý tưởng về đại học của Humboldt nảy sinh trong bối cảnh của nước Đức vào đầu thế kỷ 19 nhằm xây dựng lại cho nước Đức một nền GDĐH chân chính sau khi bị Napoleon tàn phá và kìm hãm, nhằm nâng cả quốc gia và dân tộc Đức lên. Trường Đại học Berlin (được đổi tên thành Đại học Humboldt vào năm 1949 để vinh danh hai anh em Humboldt) được xây dựng theo các ý tưởng của W. Humboldt đã phát triển rất thành công trong thế kỷ đầu tiên, trở thành một môi trường làm nảy sinh nhiều nhà tư tưởng thiên tài của nhân loại: Hegel, Schopenhauer, Einstein, Plank v.v.. và đạt thành tựu sáng chói với 29 giải Nobel trong khoảng ba mươi năm đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên những sự kiện oái oăm của lịch sử không làm cho nước Đức và Đại học Berlin giữ  được truyền thống vinh quang của mình: đó là sự ngự trị của chủ nghĩa Quốc Xã, vụ đốt sách năm 1933 ở Đại học Berlin và các cuộc truy đuổi hãm hại các giáo sư Do thái tài năng, cũng như sự chia cắt nước Đức và thủ đô Berlin sau thế chiến lần thứ hai. Tuy nhiên tinh thần Humboldt vẫn tiếp tục phát huy sức mạnh ở những nơi khác trên thế giới, trong đó mảnh đất tốt nhất có lẽ là Hoa Kỳ: nơi đây chẳng những đã tiếp thu, nuôi dưỡng và phát triển tốt tinh thần Humboldt mà còn được hưởng lợi lớn nhờ thu hút các tài năng xuất sắc từ nước Đức Quốc Xã, mà người Mỹ gọi các tài năng đó là “quà tặng của Hitler”, trong đó Albert Einstein là một trường hợp. Cho nên, hoàn toàn không cường điệu khi nói rằng “Harvard có lẽ không thể trở thành Harvard ngày nay nếu không tiếp thu và vận dụng phần nào tinh thần đại học của Humboldt” (3). Các nhận định vừa nêu trên cho thấy tư tưởng về GDĐH của Humboldt có tác động quan trọng đến nền GDĐH Hoa Kỳ, và từ đó, đến các nền GDĐH khác trên toàn thế giới.

            Vì lý do trên, nhân kỷ niệm 200 năm Đại học Humboldt, không thể không nhắc đến GDĐH Hoa Kỳ. Hơn nữa, từ các ý tưởng về GDĐH của Humboldt cùng với sự phát triển và những thành tựu hiện đại của GDĐH Hoa Kỳ, theo cách tiếp cận so sánh chúng ta cũng nên nhìn lại những vấn đề lớn của GDĐH Việt Nam hiện nay và suy nghĩ về những nguyên lý quan trọng cần theo đuổi để hệ thống đó có thể phát triển lành mạnh, góp phần nâng được dân tộc và đất nước lên.

            Phần tiếp theo đây sẽ trình bày khái quát về GDĐH Hoa Kỳ, trích từ một bài mà tác giả bài này đã viết trong ấn phẩm (4), tiếp đến sẽ nêu một vài vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của GDĐH Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

<Trang 1 | 2 | 3 | 4 >

Bài viết liên quan