Tinh thần HUMBOLDT, giáo dục đại học Hoa Kỳ với sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay [4/4]

<Trang 1 | 2 | 3 | 4 >

3. GIÁ TRỊ CỦA TINH THẦN HUMBOLDT VÀ KINH NGHIỆM CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HOA KỲ ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NƯỚC TA

            Tiếp thu và phát triển các ý tưởng của Humboldt, GDĐH Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả. Vậy thì Việt Nam có thể học tập được gì từ tinh thần Humboldt và kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ?

            Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Để có giải đáp đúng đắn cho mỗi nước, có lẽ trước hết nên nhớ một câu danh ngôn của cổ nhân, ý nói: “Cây cam sẽ là cây cam khi trồng nó ở phía nam sông Dương Tử, nhưng nó có thể trở thành một cây gì khác khi trồng ở phía bắc con sông ấy” – vì đất và nước ở hai nơi không như nhau. Nói cách khác, theo chúng tôi, muốn học tập được gì ở các ý tưởng của Humboldt và kinh nghiệm của hệ thống GDĐH Hoa Kỳ trước hết cần phải hiểu hệ thống đó, hơn nữa cũng phải hiểu rõ bản thân mình và cái mà mình cần, mà điều đó đòi hỏi không ít thời gian và suy ngẫm.

            Đối với Việt Nam, sự khác biệt về kinh tế, chính trị xã hội làm cho nền GDĐH nước ta rất khó chuyển biến theo tinh thần Humboldt và áp dụng kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ. Do đó, đổi mới GDĐH đã diễn ra ở nước ta từ năm 1987, hơn hai thập niên qua, nhưng nền GDĐH nước ta vẫn trì trệ và còn quá nhiều vấn đề nan giải. Dưới đây sẽ điểm qua một số vấn đề quan trọng có liên quan đến các ý tưởng về GDĐH của Humboldt.

            – Trước hết, đó là quyền tự chủtrách nhiệm xã hội (autonomy & accountability) của các trường đại học. Đây chính là cái lõi của  vấn đề quản trị GDĐH, điều đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói đến sự trì trệ của GDĐH Việt Nam, và chính Nhà nước cũng đã nhận định: trình độ quản lý là khâu yếu kém nhất, cần đột phá thay đổi thì hệ thống GDĐH mới có thể phát triển lành mạnh. Để các có thể trao quyền tự chủ cho các trường đại học, “hội đồng trường” của các trường đại học công lập, một hội đồng quyền lực, đã được đưa vào điều lệ trường đại học từ năm 2003. Tuy nhiên cho đến nay chỉ một số rất ít (chưa đến 10) trường đại học có hội đồng trường, và chúng hoạt động một cách rất hình thức. Sở dĩ cơ chế hội đồng trường chưa thực thi ở Việt Nam vì, một mặt, vẫn còn tồn tại cơ chế cơ quan chủ quản là nơi quyết định những vấn đề lớn về nhân sự và tài chính của các trường đại học chứ không phải hội đồng trường, đặc biệt là quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng; mặt khác, bản thân các hiệu trưởng cũng không muốn bị giảm quyền lực! Để tăng cường trách nhiệm xã hội của trường đại học, một hệ thống kiểm định công nhận chất lượng đã được đưa vào, nhưng cơ quan cao nhất điều hành hệ thống này vẫn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, khác với thông lệ quốc tế cơ quan này phải là một cơ quan độc lập, thường là phi chính phủ. Như vậy, trong hệ thống GDĐH nước ta, tuy ý tưởng tự chủ và trách nhiệm xã hội đã được du nhập, nhưng cơ chế thích hợp để hiện thực hóa các ý tưởng đó vẫn chưa được xác lập đầy đủ.

            – Một nhược điểm lớn của hệ thống GDĐH nước ta là tách rời các trường đại học với hệ thống các viện nghiên cứu quan trọng, một tàn tích của mô hình hệ thống kiểu Liên Xô cũ. Thấy được sự bất hợp lý của mô hình tách rời giảng dạy và nghiên cứu này, vào thập niên 1990 nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cố gắng hòa nhập hai hệ thống này, nhưng ông đã thất bại trước tính bảo thủ của các viện nghiên cứu và tầm nhìn hạn hẹp của những người kế nhiệm ông, cho nên đến nay sự tách rời đó vẫn còn tồn tại.

            Như đã biết, một trong các nguyên lý quan trọng của nhà trường đại học mà  Humboldt đã nêu ra là sự thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu. GDĐH Hoa Kỳ đã vận dụng rất thành công nguyên lý đó, thể hiện rõ nhất trong báo cáo nổi tiếng của Vannevar Bush, cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ Truman vào năm 1945 với tựa đề là “Khoa học: cái biên giới vô tận” (“Science: The Endless Frontier”) (11). Trong báo cáo có nêu 3 nguyên tắc làm nền tảng cho sự hỗ trợ của quốc gia đối với nghiên cứu khoa học, đó là: 1) Nhà nước liên bang chịu trách nhiệm chính tài trợ cho khoa học cơ bản; 2) Các trường đại học – chứ không phải các phòng thí nghiệm do Nhà nước điều hành, các viện nghiên cứu thuần túy không giảng dạy hoặc các công nghiệp tư nhân – phải là các cơ sở được ưu tiên triển khai các nghiên cứu  do Nhà nước tài trợ; và 3) Tuy Nhà nước đã xác định tổng chi phí cho các lĩnh vực khoa học, các dự án hoặc đề tài nghiên cứu cụ thể cũng phải thông qua quá trình đánh giá có tính cạnh tranh cao bởi các đồng nghiệp, trong đó các chuyên gia độc lập xem xét các dự án dựa trên chỉ các thước đo khoa học của riêng họ chứ không phải trên cơ sở chính trị hoặc thương mại. Các nguyên tắc mà Bush đề ra vẫn được áp dụng ở Hoa Kỳ cho đến ngày nay, và là một trong những yếu tố đưa đến những thành công lớn của hệ thống GDĐH và khoa học của Hoa Kỳ. Các ý tưởng này chính là sự phát triển nguyên tắc thứ ba của Humboldt đã nêu ở đầu bài viết.

            Đối với sự phát triển GDĐH và khoa học ở Việt Nam, các kinh nghiệm này vẫn mang tính thời sự cao và hết sức bổ ích.

            – Một vấn đề thời sự của GDĐH nước ta cũng như GDĐH nhiều nước trong thập niên đầu thế kỷ 21 là niềm mong muốn có các trường đại học đẳng cấp thế giới. Thậm chí ở Việt Nam, Nhà nước chủ trương đầu tư một chi phí khá lớn để nhờ nước ngoài giúp xây dựng bốn trường trường đại học và hy vọng đến năm 2020 trong số đó sẽ có trường đạt vị trí trong tốp 200 trường đẳng cấp thế giới đầu bảng (12).

            Khi bàn về điều kiện để trở thành một trường đại học nghiên cứu tốt, tiến lên một ĐH “đẳng cấp thế giới”, các nhà nghiên cứu thường nêu ra các tiêu chí, có thể xếp vào ba nhóm: 1) tập trung nhiều tài năng, 2) dồi dào về nguồn lực, và 3) cơ chế quản trị hiệu quả (13). Sự hiện diện đồng bộ và sự tương tác lẫn nhau của cả ba yếu tố đó đã tạo ra sự khác biệt của các trường đại học hàng đầu thế giới. Đối với ba tiêu chí nêu trên, hai tiêu chí đầu là các điều kiện cần, nhưng tiêu chí thứ ba, quản trị hiệu quả, là tiêu chí quan trọng nhất. Tiêu chí này cũng bao gồm trong nó các nguyên lý quản trị đại học mà Humboldt đã đề ra: quyền tự chủ đại họcquyền tự do học thuật. Và có thể nói các giai đoạn thành công rực rỡ hoặc thoái trào nặng nề trong lịch sử 200 năm Trường đại học Berlin (Humboldt) cũng chủ yếu liên quan đến tiêu chí thứ ba này. Cho nên, để mong muốn xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới trở thành hiện thực, GDĐH Việt Nam phải hết sức coi trọng tiêu chí thứ ba nêu trên.

            Các vấn đề vừa nêu trên đây gắn chặt với tinh thần đại học của Humboldt và các kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ, cũng nằm trong số những vấn đề quan trọng nhất mà hệ thống GDĐH nước ta phải đối mặt trong quá trình phát triển. Trong điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam hiện nay, làm cho tinh thần đại học Humboldt trở thành hiện thực trong cuộc sống đại học là điều không phải dễ dàng. Cần một đấu tranh liên tục trong cộng đồng GDĐH và giữa cộng đồng GDĐH với các cấp quản lý hệ thống để có được những đổi thay ngày càng sâu sắc hơn.

            Nhằm tạo nên một điểm xuất phát thuận lợi cho cuộc đấu tranh để thay đổi đó, một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ và sâu sắc ở thời điểm này là vô cùng cần thiết. Cần khai thác trí tuệ của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước để thiết kế bài bản đề án cải cách giáo dục, cần tạo một sự đồng thuận cao trong xã hội về phương hướng cải cách và cần có sự đảm bảo của quốc gia về nguồn lực và luật lệ để cải cách thành công. Nhiều nhà giáo dục và trí thức tâm huyết với vận mệnh của đất nước đã phát biểu về sự cần thiết một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng (14) để có một nền giáo dục trung thực (15). Cải cách giáo dục hiện nay là yêu cầu của cuộc sống, của dân tộc, cho nên một Nhà nước vì dân chắc chắn sẽ nắm bắt lấy đề xuất đó để phát động một cuộc cải cách mạnh mẽ. Và cải cách GDĐH, một bộ phận quan trọng trong cuộc cải cách giáo dục nói chung, chắc chắn sẽ phải thấm nhuần tinh thần đại học của Humboldt, một di sản trí tuệ của nhân loại.

Hà Nội, tháng 11/2010

_________________________________

TÀI LIỆU DẪN

  1. Altbach, P.G. “The American Academic Model in Comparative Perspective”. Có bản dịch ra tiếng Việt trong (4).
  2. Perkin, H. “History of Universities”, trong: “The History of Higher Education”, ASHE Reader Series, Simon & Schuster Custom Publishing, 1997.
  3. Sebastian Litta. “Celebrating 200 Years of Humboldt University”, International Higher Education, No 61, 2010. Boston College.
  4. Lâm Quang Thiệp; Johnstone, D.B.; Altbach, P.G. “Giáo dục Đại học Hoa Kỳ”, NXB Giáo dục, 2006-2007.
  5. Lâm Quang Thiệp. “Về xu hướng hội nhập giáo dục đại học trên thế giới và những đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam”. Trích từ Kỷ yếu Hội thảo “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, Hội nhập và Thách thức”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 3/2004.
  6. Trow, M. “American Higher Education: Past, Present and Future”. Trích từ “Foundation of American Higher Education”, Simon & Schuster Publisher, 1999.
  7. Geiger, R. “The Ten Generations of American Higher Education”. Có bản dịch ra tiếng Việt trong (4).
  8. The College Board. “Trends in Student Aid”, October, 2000.
  9. The Chronical of Higher Education – Almanac Isue 2008-2009.
  10. Johnstone, B.D. “The US Higher Education System”. Có bản dịch ra tiếng Việt trong (4).
  11. Bush, V. Science: The Endless Frontier”. http://www.nsf.gov/about/history/vbush1945.htm
  12. Thủ tướng Chính phủ. “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học/cao đẳng” ban hành theo quyết định 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007.
  13. Jamil Salmi. “The Challenge of Establishing World Class Universities”, http://portal.unesco.org/education/en/files/55825/12017990845Salmi.pdf/Salmi.pdf
  14. Lâm Quang Thiệp. “Cần một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng”. Báo Tuổi trẻ 3/9/2010. http://tuoitre.vn/Giao-duc/398607/Can-mot-cuoc-cai-cach-giao-duc-sau-rong.html
  15. Nguyễn Thị Bình. “Cải cách để có một nền giáo dục trung thực.” Báo Tuổi trẻ 20/9/2010. http://tuoitre.vn/Giao-duc/401326/Cai-cach-de-co-mot-nen-giao-duc-trung-thuc.html

______________

<Trang 1 | 2 | 3 | 4 >

Bài viết liên quan